Ngành thép đối mặt áp lực chi phí điện, than cùng tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ và giá bán dự kiến tiếp tục giảm.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép đã có sự phục hồi trong quý III nhưng không đều. Hai "ông lớn" Hòa Phát và Hoa Sen cải thiện lợi nhuận đáng kể, trong khi hầu hết doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ.
Cụ thể, HPG lãi 2.000 tỷ đồng, vực dậy hẳn so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này đã có ba quý liên tiếp cải thiện lợi nhuận, tiệm cận mức trung bình giai đoạn 2016-2019. Còn HSG cũng báo lãi gần 440 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ. Doanh nghiệp này có ba quý liên tiếp ghi nhận lợi nhuận dương. Thép Nam Kim có kết quả kinh doanh kém khả quan hơn nhưng vẫn lãi sau thuế 24 tỷ đồng.
Trong khi đó, cùng là doanh nghiệp có quy mô và thị phần lớn, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel - TVN) lại lỗ 172 tỷ đồng. Sau quý I có lãi, TVN tiếp tục rơi vào tình trạng lợi nhuận âm hai quý liên tiếp. Các doanh nghiệp nhỏ hơn như Pomina hay SMC cũng chưa thoát cảnh thua lỗ.
Giữa thời điểm kết quả kinh doanh chỉ nhen nhóm cải thiện, ngành thép lại đối mặt với áp lực ở cả đầu vào và đầu ra.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.920,37 đồng lên 2.006,79 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,5%. Theo ước tính của Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán của doanh nghiệp sản xuất thép. Nếu doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, MASVN ước tính tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm tối đa 23%. Đây là mức giảm sâu nhất trong các nhóm chịu ảnh hưởng lớn gồm xi măng, hóa chất và giấy.
Không chỉ giá điện, các yếu tố đầu vào của ngành thép cũng rục rịch tăng giá. Giá than hiện thấp hơn mức kỷ lục cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn khoảng 1,5-3 lần so với giai đoạn 2020-2021. Từ cuối tháng 10 đến nay, giá than có xu hướng nhích lên so với tháng 9. Tương tự, giá quặng sắt cũng đang có xu hướng tăng.
Trong khi đó, giá than và quặng sắt thường chiếm hơn một nửa chi phí trong quá trình sản xuất thép. Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép sẽ giảm trong quý IV do chi phí đầu vào cao, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa chưa cải thiện.
Dự đoán trên của BSC dựa vào thực tế tiêu thụ ngành thép vẫn chưa có tín hiệu hồi phục. Điều này thể hiện qua việc các nhà máy vẫn buộc phải đẩy kênh xuất khẩu thép, để bù đắp cho nội địa, doanh nghiệp rất hạn chế khả năng tăng giá thép, mặc dù chi phí sản xuất đã tăng. Do đó, BSC cho rằng nhu cầu nội địa vẫn yếu trong cuối năm.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng chỉ ra trong tháng 9, chênh lệch giữa sản xuất và bán hàng thép thành phẩm khoảng 579.000 tấn. Tính chung ba quý năm nay, mức chênh lệch là hơn 1,2 triệu tấn thép thành phẩm. VSA nhận định nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.
Do sức tiêu thụ chưa phục hồi, giá bán thép cũng đứng yên hơn hai tháng qua. Hiện tại giá thép xây dựng đã neo quanh 13,4-13,7 triệu đồng một tấn từ đầu tháng 9 đến nay, thấp nhất ba năm qua. Trước đó, giá bán của mặt hàng này đã có 19 đợt giảm liên tiếp từ đầu tháng 4.
Sang quý IV, BSC cho rằng giá thép nội địa vẫn chịu áp lực giảm nhẹ. Nguyên nhân là lực cầu nội địa vẫn yếu, trong khi kênh xuất khẩu cũng hạ dần về cuối năm và thép Việt Nam tiếp tục chịu sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Như vậy, rất ít khả năng xảy ra kịch bản các doanh nghiệp chuyển tiếp áp lực từ giá điện sang người tiêu dùng. Thời gian tới, ngành thép phải tìm lời giải cho bài toán lợi nhuận trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, sức mua cũng như giá bán chưa thể phục hồi.
Tuy nhiên cửa sáng vẫn được dự đoán. Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng rằng, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có thể bắt đầu duy trì tích cực kể từ đầu năm 2024 nhờ: mặt bằng lãi suất tương đối thấp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; mức nền thấp của giá thép kích thích nhu cầu tiêu thụ; các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng; tiềm năng từ thị trường xuất khẩu.
Tất Đạt